Đáp ứng đúng tiêu chuẩn thiết kế nhà xưởng sản xuất thực phẩm giúp doanh nghiệp phát huy tối đa công năng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất.
Vì sao nhà xưởng sản xuất thực phẩm phải có các tiêu chuẩn thiết kế riêng?
Ngành thực phẩm luôn đòi hỏi cao về các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó nhà đầu tư cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn này ngay từ khâu thi công xây dựng nhà xưởng sản xuất. Đó cũng là lý do vì sao nhà xưởng sản xuất thực phẩm phải có các tiêu chuẩn thiết kế riêng.
Tuân thủ đúng các tiêu chuẩn thiết kế nhà xưởng sản xuất thực phẩm giúp đảm bảo nguyên liệu xây dựng không sản sinh ra những chất độc hại trong quá trình sản xuất. Nhà xưởng được thiết kế đúng tiêu chuẩn sẽ kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm khu vực kho và khu sản xuất để không làm hỏng sản phẩm và hạn chế nhiễm bẩn ở mức thấp nhất.
Các tiêu chuẩn thiết kế nhà xưởng sản xuất thực phẩm
Tiêu chuẩn thiết kế nhà xưởng thực phẩm đặt ra dựa theo Thông tư Số: 15/2012/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 12/09/2012.
Bên cạnh đó, nhà xưởng chất lượng phải có thiết kế tuân theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc tế HACCP gồm 5 yếu tố: đảm bảo ngăn ngừa nhiễm khuẩn trong quá trình sản xuất; thuận lợi cho bảo dưỡng, vệ sinh và tẩy trùng thiết bị; nguyên vật liệu xây dựng phù hợp, an toàn và chất lượng; kiểm soát tốt nhiệt độ và độ ẩm nhà xưởng; có phương án bảo vệ thực phẩm trước ô nhiễm từ bên ngoài.
Tiêu chuẩn chọn vị trí đặt nhà xưởng
Vị trí đặt nhà xưởng đảm bảo 4 tiêu chí: không đặt nhà xưởng ở nơi có mật độ giao thông cao; không xây dựng ở gần khu vực dễ gây ô nhiễm: bãi rác, phế liệu, cơ sở chăn nuôi, nghĩa trang, bệnh viện,…; tránh chọn vị trí gần những cơ sở sản xuất sinh ra chất độc hại như kho hóa chất, sản xuất thuốc bảo vệ thực vật,…; không đặt tại nơi có kết cấu địa chất không đảm bảo: khả năng ngập lụt, sụp lún cao…
Tiêu chuẩn trong thiết kế không gian nhà xưởng
Diện tích nhà xưởng phải phù hợp với công năng sản xuất, có kết cấu vững chắc và đáp ứng đúng nhu cầu sản xuất thực phẩm của mỗi doanh nghiệp.
Một số tiêu chuẩn thiết kế nhà xưởng sản xuất thực phẩm cần lưu ý:
– Quy trình sản xuất thực phẩm cần được bố trí một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến thành phẩm.
– Hệ thống cửa ra vào và cửa sổ được làm bằng vật liệu chắc chắn nhằm ngăn sự xâm nhập của các tác nhân gây hại từ bên ngoài.
– Trần và các thiết bị cố định trên trần được thiết kế chắc chắn, giảm thiểu tối đa khả năng tích tụ bụi và hơi nước sinh ra trong quá trình sản xuất.
– Các bậc thềm, bậc thang, sàn sử dụng vật liệu bền và chống trơn trượt, dễ vệ sinh.
– Tường và vách ngăn sử dụng vật liệu không thấm, có bề mặt nhẵn để dễ thao tác.
Tiêu chuẩn thiết kế phòng thay đồ bảo hộ lao động và nhà vệ sinh trong công xưởng quy định tại Khoản 9 Điều 1 Thông tư Số: 15/2012/TT-BYT.
Tiêu chuẩn thiết kế thông gió và chiếu sáng
Hệ thống thông gió không được lắp đặt tại vị trí hướng gió thổi từ khu vực bị nhiễm bẩn vào khu vực sản xuất, tốt nhất nên lựa chọn sản phẩm lắp đặt nhanh, bảo dưỡng và vệ sinh dễ dàng.
Đơn vị thi công cần tuân thủ đúng tiêu chuẩn thiết kế nhà xưởng đối với hệ thống chiếu sáng, đảm bảo cường độ ánh sáng tự nhiên và nhân tạo được hài hòa, đáp ứng được nhu cầu làm việc của công nhân và quá trình bảo quản sản phẩm.
Để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và chất lượng hệ thống, nên dùng máng đèn hoặc lưới để bao bọc xung quanh, ngăn bụi và mảnh vụn rơi vào thực phẩm khi bóng đèn bị vỡ.
Tiêu chuẩn thiết kế khu vực bảo quản
Khu vực bảo quản cần bố trí gần khu vực sản xuất để dễ vận chuyển nhưng phải đảm bảo nằm ở khu vực riêng biệt với các khu vực khác. Khu vực bảo quản được phân chia theo mục đích bảo quản: bảo quản thực phẩm, bảo quản nguyên liệu, bảo quản chất hóa học,… và được thiết kế tùy vào đặc thù của từ nhà xưởng.
Cần đảm bảo vệ sinh tuyệt đối, kiểm tra và khử trùng thường xuyên khu vực này để ngăn vi khuẩn xâm nhập và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Tiêu chuẩn thiết kế hệ thống nước và xử lý chất thải
Hệ thống ống nước dùng trong hoạt động: sản xuất thực phẩm, hệ thống làm lạnh, phòng cháy chữa cháy, xử lý nước thải,… phải được sơn màu riêng để dễ dàng phân biệt, xử lý và bảo trì, bảo dưỡng. Lưu ý: Nên tách biệt hệ thống nước uống được và nước không uống được.
Hệ thống xử lý chất thải vận hành liên tục và tuân theo quy định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu. Khu vực chứa, xử lý chất thải rắn và lỏng phải bố trí riêng biệt, nằm xa khu vực sản xuất và kho.
Tuân thủ đúng tiêu chuẩn thiết kế sẽ giúp doanh nghiệp đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm đối với thành phẩm. Từ đó, chất lượng sản phẩm được tăng lên, khả năng cạnh tranh cao, nâng cao uy tín doanh nghiệp trong mắt người tiêu dùng và với các đối tác nước ngoài.