HƯỚNG DẪN SẢN XUẤT NÔNG SẢN ĐẠT TIÊU CHUẨN XUẤT KHẨU VÀO THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

Hiện nay, Trung Quốc đưa ra các yêu cầu về vùng trồng với việc phải áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ giám sát và đảm bảo không có đối tượng kiểm dịch thực vật mà Tổng cục Hải quan Trung Quốc quan tâm; đồng thời lưu trữ hồ sơ giám sát và phòng trừ sinh vật gây hại.

VIỆN KHOA HỌC KỸ THUẬT NÔNG NGHIỆP MIỀN NAM – TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU CHUYỂN GIAO TBKT NÔNG NGHIỆP Đã soạn thảo Bộ HƯỚNG DẪN SẢN XUẤT NÔNG SẢN ĐẠT TIÊU CHUẨN XUẤT KHẨU VÀO THỊ TRƯỜNG TRUNG QUỐC

Mục lục

I. YÊU CẦU VÀ THIẾT LẬP QUẢN LÝ VÙNG TRỒNG THEO TIÊU CHUẨN VIETGAP

– Bộ tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11892-1:2017 Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP).

– Tạo điều kiện cho các tổ chức/cánhân sản xuất đạt được chứng nhận VietGAP;

– Đảm bảo được tính minh bạch  để truy nguyên được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất nông sản của Việt Nam.

– Phạm vi của bộ tiêu chuẩn VietGAP này giới hạn ở các quy định các yêu cầu thực hành nông nghiệp tốt:

– Kỹ thuật canh tác

– Sản xuất và thu hoạch, không bao gồm vận chuyển và chế biến) trong sản xuất sản phẩm trồng trọt dùng làm thực phẩm.

II. Các yêu cầu đặt ra ra của bộ tiêu chuẩn này các điều kiện quy định

Hoạt động của cơ sở sản xuất.

  1. Các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
  2. Các yêu cầu về bảo vệ môi trường, đảm bảo phúc lợi cho người sản xuất.
  3. An toàn lao động và điều kiện làm việc. Đánh giá về những mối nguy tiêu chuẩn về kỹ thuật, tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn về phúc lợi xã hội đối với người sản xuất và tiêu chuẩn truy nguyên nguồn gốc sản phẩm.

– Bộ tiêu chuẩn GAP (tiêu chuẩn TCVN 11892-1: 2017) đạt mức độ tương đương về các tiêu chuẩn kỹ thuật so các bộ tiêu chuẩn GlobalGAP , AseanGAP, JGAP; Freshcare; ChinaGAP

III. Các yêu cầu cụ thể trong canh tác VietGAP

  1. Tập huấn

– Các cơ sở sản xuất phải quản lý tốt nguồn nhân lực đảm bảo cho người trực tiếp quản lý VietGAP phải được tập huấn về VietGAP trồng trọt hay có Giấy xác nhận kiến thức ATTP.

Các nội dung cần được tập huấn:

+, Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt và các qui định trong sản xuất theo VietGAP;

+, Hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP

– Hướng dẫn xây dựng cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn VietGAP;

– Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn và hiệu quả theo VietGAP;

– Dịch hại quan trọng và biện pháp quản lý tổng hợp IPM;

– Quy trình canh tác theo VietGAP;

– Quản lý chất lượng và ATTP sau thu hoạch theo tiêu chuẩn VietGAP;

– Tập huấn an toàn lao động và sơ cấp cứu tại chỗ cho người lao động.

2.   sở vật chất

2.1- Đất trồng/Giá thể:

+ Phải có nguồn gốc rõ ràng, ghi và lưu hồ sơ về thành phần nguyên liệu và chất bổ sung vào giá thể.

+ Không sử dụng Methyl Bromide để khử trùng đất/giá thể.

+ Nếu trường hợp sử dụng hóa chất để khử trùng phải đảm bảo thời gian cách ly khi sản xuất và phải ghi và lưu hồ sơ về ngày khử trùng, phương pháp khử trùng, hóa chất và thời gian cách ly.

2.2- Nước tưới:

+ Phải đáp ứng về chỉ tiêu vi sinh vật (E. coli) không vượt quá giới hạn tối đa cho phép theo quy định đối với chất lượng nước mặt.

+ Dụng cụ chứa hoặc kho chứa phân bón, thuốc BVTV và hóa chất khác phải kín, không rò rỉ ra bên ngoài; Có dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm; Nếu là kho thì cửa kho phải có khóa và chỉ những người có nhiệm vụ mới được vào kho.

+ Không đặt trong khu vực sơ chế, bảo quản sản phẩm, sinh hoạt và không gây ô nhiễm nguồn nước.

2.3- Quản lý chất thải bao gồm:  Vỏ thuốc bảo vệ thực vật, bao bì phân bón phải được thu gom trong các vật chứa kín (có nắp đậy và có đáy) và chuyển ra khỏi khu vực sản xuất để xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Các chất thải trong quá trình sản xuất phải được thu gom và xử lý.

– Cần có sẵn dụng cụ, vật liệu xử lý trong trường hợp đổ, tràn phân bón, thuốc BVTV và hóa chất. Trong kho phân bón và thuốc BVTV cần có xô cát, chổi nhỏ, túi nylon để xử lý khi có sự cố.

– Phải có quy trình sản xuất nội bộ bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng cây trồng hoặc nhóm cây trồng, điều kiện của từng cơ sở sản xuất và các yêu cầu của VietGAP.

2.4-Nhà sơ chế,bảo quản sản phẩm (nếu có): phải được xây dựng ở vị trí phù hợp đảm bảo hạn chế nguy cơ ô nhiễm từ khói, bụi, chất thải, hóa chất độc hại từ hoạt động giao thông, công nghiệp, làng nghề, khu dân cư, bệnh viện, khu chăn nuôi, cơ sở giết mổ, nghĩa trang, bãi rác và các hoạt động khác.

– Khu vực sơ chế phải được bố trí theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng để tránh lây nhiễm chéo

2.5- Trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất, sơ chế:  phải được làm sạch trước, sau khi sử dụng và bảo dưỡng định kỳ nhằm tránh gây tai nạn cho người sử dụng và làm ô nhiễm sản phẩm;

– Bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm phải đáp ứng quy định của pháp luật về bao bì, dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm, theo QCVN 12-1:2011/BYT, QCVN 12-2:2011/BYT, QCVN 12-3:2011/BYT.

– Phải có sơ đồ về: Khu vực sản xuất; nơi chứa phân bón, thuốc BVTV, trang thiết bị, máy móc, dụng cụ phục vụ sản xuất, sơ chế; nơi sơ chế, bảo quản sản phẩm (nếu có) và khu vực xung quanh.

2.6- Quy trình sản xuất

Phải có quy trình sản xuất nội bộ bảo đảm an toàn thực phẩm phù hợp với từng cây trồng hoặc nhóm cây trồng, điều kiện của từng cơ sở sản xuất và các yêu cầu của VietGAP.

– Nội dung của quy trình sản xuất bao gồm 12 mục lớn (với 75 điểm yêu cầu) là:

1) Đánh giá và lựa chọn vùng sản xuất;

2) Giống và gốc ghép;

3) Quản lý đất và giá thể;

4) Phân bón và chất phụ gia;

5) Nước tưới;

6) Thuốc BVTV và hoá chất;

7) Thu hoạch và xử lý sau thu hoạch;

8) Quản lý và xử lý chất thải;

9) Người lao động;

10) Ghi chép, lưu giữ hồ sơ, truy nguyên nguồn gốc;

11) Kiểm tra nội bộ

12) Khiếu nại và giải quyết khiếu nại.

2.7- Bảo vệ tài nguyên đất:  bằng các biện pháp canh tác phù hợp tránh gây ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên đất.

+ Hạn chế sử dụng phân hóa học,

+ Tăng cường sử dụng phân hữu cơ;

+ Trồng xen,

+ Luân canh với một số cây có khả năng cải tạo đất;

+ Có biện pháp chống xói mòn đất dốc.

2.8 -Bảo vệ tài nguyên nước: bằng các biện pháp kiểm soát việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tránh gây ô nhiễm cho nguồn nước.

– Nơi xử lý phân hữu cơ (nếu có) được cách ly tránh gây ô nhiễm nguồn nước.

– Bón phân theo quy trình sản xuất, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi không cần thiết, lựa chọn thuốc bảo vệ thực vật ít gây ô nhiễm.

– Cần áp dụng tưới tiêu hiệu quả nhằm hạn chế tối đa lượng nước thất thoát và rủi ro tác động xấu đến môi trường như: tưới nhỏ giọt, tưới phun.

3. Quy trình sản xuất

– Tổ chức, cá nhân sản xuất theo VietGAP phải ghi chép và lưu giữ đầy đủ các thông tin như:

+ Kết quả đánh giá các chỉ tiêu gây mất ATTP trong đất/giá thể, nước tưới/sơ chế và sản xuất;

+ Bảng theo dõi mua/tự sản xuất vật tư đầu vào;

+ Bảng theo dõi quá trình sản xuất và bảng tiêu thụ sản phẩm.

– Tổ chức, cá nhân sản xuất theo VietGAP phải tự kiểm tra hoặc thuê kiểm tra viên kiểm tra nội bộ xem việc thực hiện sản xuất, ghi chép và lưu trữ hồ sơ đã đạt yêu cầu chưa. Nếu chưa đạt yêu cầu thì phải có biện pháp khắc phục và được lưu trong hồ sơ.

– Hồ sơ phải được thiết lập cho từng chi tiết trong các khâu thực hành VietGAP và được lưu giữ tại cơ sở sản xuất.

– Phải có quy định và thực hiện lưu trữ, kiểm soát tài liệu và hồ sơ.

– Thời gianlưu trữ hồ sơ tối thiểu là 2 năm (đối với sản phẩm tối thiểu 12 tháng tính từngày thu hoạch) để phục vụ việc kiểm tra nội bộ và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm

>> DANH SÁCH CÁC ĐỐI TƯỢNG KIỂM DỊCH CHO KHOAI LANG XUẤT KHẨU ĐI TRUNG QUỐC

>> DANH SÁCH CÁC ĐỐI TƯỢNG KIỂM DỊCH CHO CHUỐI XUẤT KHẨU ĐI TRUNG QUỐC

 

>> DANH SÁCH CÁC ĐỐI TƯỢNG KIỂM DỊCH CHO SẦU RIÊNG XUẤT KHẨU ĐI TRUNG QUỐC

4. Quản sản phẩm truy nguyên nguồn gốc

– Sản phẩm trước và sau thu hoạch cần phải được phân tích theo các chỉ tiêu về: giới hạn tối đa dư lượng thuốc BVTV theo Thông tư 50/2016/TT-BYT, giới hạn ô nhiễm kim loại nặng, trong thực phẩm theo QCVN 8-2:2011/BYT, giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm theo QCVN 8-1:2011/BYT.

– Trường hợp phát hiện các chỉ tiêu vượt mức giới hạn tối đa cho phép phải điều tra nguyên nhân, có biện pháp khắc phục hiệu quả, lập thành văn bản và lưu hồ sơ.

– Cơ sở sản xuất phải lấy mẫu và phân tích sản phẩm theo quy định trên cơ sở kết quả đánh giá nguy cơ trong quá trình sản xuất

+ Đánh giá nguy cơ là quá trình xác định các mối nguy; phân tích và đánh giá rủi ro liên quan đến mối nguy đó và xác định cách thức thích hợp để loại bỏ mối nguy hoặc kiểm soát rủi ro khi  không thể loại bỏ mối nguy.

+ Đánh giá nguy cơ có thể bao gồm các bước sau: Xác định mối nguy; Xác định đối tượng có thể bị ảnh hưởng; Đánh giá rủi ro và quyết định các biện pháp kiểm soát; Lập kế hoạch và thực hiện kiểm soát các mối nguy và xem lại đánh giá và cập nhật nếu cần.

Bước 1: Xác định mối nguy

– Trước tiên, cần xác định trong quá trình áp dụng VietGAP (môi trường, người lao động, sản phẩm) có thể xuất hiện những mối nguy nào.

– Khi xác định các mối nguy cần xem xét kỹ nguồn gốc của nó. Ví dụ: Đối với sản phẩm, các mối nguy mất ATTP gồm có hóa học, sinh học, vật lý.

– Mối nguy hóa học: Có thể xuất hiện trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, vận chuyển và bảo quản sản phẩm, mối nguy hóa học gồm:

– Mối nguy sinh học: Có thể xuất hiện trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, vận chuyển và bảo quản sản phẩm nhưng quan trọng nhất là giai đoạn thu hoạch, sơ chế và vận chuyển.

– Mối nguy sinh học gồm: Vi sinh vật (vi khuẩn, vi rút) gây bệnh cho người trên sản phẩm như Salmonella, E. coli,…và một số sinh vật khác như giun, sán

Mối nguy vật lý: Có thể xuất hiện trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, vận chuyển và bảo quản sản phẩm nhưng quan trọng nhất là giai đoạn thu hoạch, sơ chế và đóng gói sản phẩm

Bước 2: Xác định đối tượng bị ảnh hưởng khi mối nguy

– Mỗi mối nguy cần xác định rõ những đối tượng có thể bị ảnh hưởng. Điều này sẽ giúp xác định cách quản lý rủi ro tốt nhất.

– Ví dụ: Sử dụng thuốc BVTV không đúng (không có trong danh mục, quá nồng độ,…) có thể gây ô nhiễm sản phẩm, môi trường và gây hại cho sức khỏe người lao động.

Bước 3: Đánh giá rủi ro quyết định các biện pháp kiểm soát

– Với mỗi mối nguy đã xác định cần đánh giá mức độ rủi ro của nó có thể gây ra với các đối tượng đã xác định để quyết định các biện pháp kiểm soát mối nguy đó.

– Ví dụ: Sử dụng thuốc BVTV không đúng (không có trong danh mục, quá nồng độ,…) có rủi ro cao về dư lượng hóa chất BVTV trong sản phẩm vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép.

Bước 4: Lập kế hoạch thực hiện kiểm soát các mối nguy

– Trên cơ sở phân tích các mối nguy cần lập kế hoạch và thực hiện kiểm soát các mối nguy, ưu tiên kiểm soát các mối nguy có rủi ro cao trước, tiếp đến là các mối nguy có rủi ro trung bình và thấp

Bước 5: Xem lại đánh giá điều chỉnh nếu cần

– Xem xét lại toàn bộ các bước trên, nếu cần thiết có thể điều chỉnh kế hoạch để kiểm soát hiệu quả các mối nguy đã phát hiện.

– Mẫu sản phẩm cần phân tích tại phòng thử nghiệm được công nhận hay chỉ định.

– Phải có quy định xử lý sản phẩm không đảm bảo ATTP.

– Sản phẩm sản xuất theo VietGAP phải phân biệt với sản phẩm không sản xuất theo VietGAP trong quá trình thu hoạch, sơ chế.

– Phải có quy định truy xuất nguồn gốc sản phẩm giữa cơ sở sản xuất với khách hàng và trong nội bộ cơ sở sản xuất. Quy định truy xuất nguồn gốc phải được vận hành thử trước khi chính thức thực hiện và lưu hồ sơ.

Sản phẩm sản xuất theo VietGAP phải được ghi rõ vị trí và mã số của lô sản xuất. Vị trí và mã số của lô sản xuất phải được lập hồ sơ và lưu trữ.

– Bao bì, thùng chứa sản phẩm cần có nhãn mác để giúp việc truy nguyên nguồn gốc được dễ dàng.

– Mỗi khi xuất hàng, phải ghi chép rõ thời gian cung cấp, nơi nhận và lưu giữ hồ sơ cho từng lô sản phẩm.

– Khi phát hiện sản phẩm bị ô nhiễm hoặc có nguy cơ ô nhiễm, phải cách ly lô sản phẩm đó và ngừng phân phối. Nếu đã phân phối, phải thông báo ngay tới người tiêu dùng.

– Điều tra nguyên nhân ô nhiễm và thực hiện các biện pháp ngăn ngừa tái nhiễm, đồng thời có hồ sơ ghi lại nguy cơ và giải pháp xử lý

 

Điều kiện làm việc vệ sinh nhân cho công nhân

– Cần cung cấp các điều kiện làm việc, sinh hoạt và trang thiết bị tối thiểu, an toàn cho người lao động.

– Nhà vệ sinh, chổ rửa tay cần sạch sẽ và có hướng dẫn vệ sinh cá nhân.

– Cần có quy định về bảo hộ lao động , hướng dẫn sử dụng an toàn trang thiết bị, máy móc, dụng cụ trong quá trình sản xuất.

– Bảo hộ lao động (quần áo, găng tay, khẩu trang, ủng…) cần được vệ sinh sạch trước, sau khi sử dụng và để đúng nơi quy định, không để chung với nơi chứa thuốc BVTV, phân bón và các hóa chất khác

– Cần có thiết bị hoặc dụng cụ sơ cứu và hướng dẫn sơ cứu để xử lý trong trường hợp cần thiết

An toàn lao động

– Người được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng hoá chất phải có kiến thức và kỹ năng về hóa chất.

– Tổ chức, cá nhân sản xuất phải cung cấp trang thiết bị và áp dụng các biện pháp sơ cứu cần thiết và đưa đến bệnh viện gần nhất khi người lao động bị nhiễm hóa chất.

– Nông trại được trang bị đầy đủ các hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV, hướng dẫn sử dụng và sửa chữa máy móc thiết bị, hướng dẫn xử lý sự cố tai nạn tại nông trại; Có các quy định về phòng cháy chữa cháy, chủ nông trại đều được hướng dẫn sử dụng các thiết bị phòng cháy chữa cháy; Có các biển báo cảnh báo và nguy hiểm

– Công nhân cần đọc kỹ và hiểu các hướng dẫn trong nông trại.

– Phải có tài liệu hướng dẫn các bước sơ cứu và có bảng hướng dẫn tại kho chứa hoá chất.

– Người được giao nhiệm vụ xử lý và sử dụng hoá chất hoặc tiếp cận các vùng mới phun thuốc phải được trang bị quần áo bảo hộ và thiết bị phun thuốc.

– Quần áo bảo hộ lao động phải được giặt sạch và không được để chung với thuốc BVTV.

– Phải có biển cảnh báo vùng sản xuất vừa mới được phun thuốc.

Phúc lợi hội của người lao động

– Tuổi lao động phải phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam

– Khu nhà ở cho người lao động phải phù hợp với điều kiện sinh hoạt và có những thiết bị, dịch vụ cơ bản.

– Lương, thù lao cho người lao động phải hợp lý, phù hợp với luật lao động của Việt Nam.

Đào tạo

– Trước khi làm việc, người lao động của tổ chức, cá nhân phải được thông báo về những nguy cơ liên quan đến sức khoẻ và điều kiện an toàn.

– Người lao động phải được tập huấn (nội bộ hay bên ngoài) về VietGAP hoặc có kiến thức về VietGAP ở công đoạn họ trực tiếp làm việc.

Các nội dung được tập huấn:

+ Phương pháp sử dụng các trang thiết bị, dụng cụ.

+ Các hướng dẫn sơ cứu tai nạn lao động.

+ Sử dụng an toàn các hoá chất, vệ sinh cá nhân.

– Nếu sử dụng các hóa chất đặc biệt cần được tập huấn theo quy định hiện hành của Nhà nước

Khiếu nại giải quyết khiếu nại

– Tổ chức, cá nhân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phải có quy định giải quyết khiếu nại liên quan đến sản phẩm và quyền lợi của người lao động. Quy định này phải thể hiện cách tiếp nhận, xử lý và trả lời khiếu nại.

– Trong trường hợp có khiếu nại, tổ chức, cá nhân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phải có trách nhiệm giải quyết theo quy định của pháp luật, đồng thời lưu đơn khiếu nại và kết quả giải quyết vào hồ sơ.

Kiểm tra nội bộ

– Tổ chức, cá nhân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP phải tổ chức kiểm tra theo các yêu cầu của VietGAP không quá 12 tháng một lần. Khi phát hiện điểm không phù hợp phải phân tích nguyên nhân và có hành động khắc phục.

– Thời gian thực hiện hành động khắc phục trước khi giao hàng cho khách hàng nhưng không quá 3 tháng tùy thuộc nội dung điểm không phù hợp.

– Đối với cơ sở sản xuất nhiều thành viên và cơ sở có nhiều địa điểm sản xuất phải kiểm tra tất cả các thành viên, địa điểm sản xuất.

– Kết quả kiểm tra và hành động khắc phục các điểm không phù hợp với VietGAP phải lập văn bản và lưu hồ sơ

Đối với cơ sở sản xuất nhiều thành viên hoặc nhiều địa điểm sản xuất

– Phải có quy định nội bộ về phân công nhiệm vụ, tổ chức sản xuất, kiểm tra, giám sát và được phổ biến đến tất cả các thành viên, địa điểm sản xuất.

Theo TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU CHUYỂN GIAO TBKT NÔNG NGHIỆP