Công nghệ CAS (Cells Alive System – Hệ thống tế bào còn sống) là công nghệ được chuyển giao từ Nhật Bản và mới xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2013. Đây là một trong những phương pháp bảo quản sau thu hoạch hiệu quả, hứa hẹn góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho nông sản Việt Nam.
Ưu điểm
CAS là công nghệ làm lạnh tiên tiến, có khả năng giữ cho màng và cấu trúc của tế bào các sản phẩm gần như nguyên vẹn trong thời gian dài, có thể kéo dài tới 10 năm tùy vào mục đích bảo quản. Khi rã đông, sản phẩm vẫn giữ được độ tươi ngon như mới thu hoạch. Vì vậy công nghệ này tạo ra các dòng sản phẩm đông lạnh tươi.
CAS khắc phục được hầu hết những nhược điểm của các phương pháp bảo quản thông dụng khác, ví dụ như sự biến tính sản phẩm ở phương pháp cấp đông, thời gian bảo quản ngắn ở phương pháp chiếu xạ, lượng chất bảo quản tồn dư trên sản phẩm, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe cho người sử dụng như với phương pháp dùng hóa chất. Công nghệ CAS phù hợp cho việc bảo quản các sản phẩm từ lĩnh vực y tế đến lĩnh vực nông sản, hải sản và thực phẩm…
CAS: nguyên lý đơn giản cho hiệu quả cao
Hiện tượng nước siêu lạnh là trạng thái nước không đóng băng ngay cả dưới 0 độ C hoặc thấp hơn. Trên cơ sở đó, Norio Owada sáng chế công nghệ CAS với tiêu chí: “đơn giản, phổ cập, dễ sử dụng và an toàn”. Công nghệ CAS sử dụng từ trường, tương tự lò viba nhưng kết hợp thêm hệ thống làm lạnh.
CAS là sự kết hợp hiệu quả giữa quá trình đông lạnh nhanh với dao động từ trường, nhiệt độ từ -30 độ C đến -60 độ C và từ trường trong quãng 50Hz đề 5 MHz. Chỉ sau một thời gian cấp đông ngắn, tâm sản phẩm đã đạt tới mức -18 oC bằng quá trình nhiệt lạnh. Trong quá trình đông lạnh, dao động từ trường từ thiết bị CAS có khả năng ngăn nước tự do trong tế bào và nước liên kết trong các hợp chất sống không bị đóng băng thành khối lớn mà chỉ tạo thành các hạt siêu nhỏ. Vì các hạt nước đá siêu nhỏ này không đủ sức phá vỡ màng tế bào nên cấu trúc tế bào vẫn được giữ nguyên vẹn, qua đó chất lượng, màu sắc, hương vị sản phẩm bảo quản không bị biến đổi dù trải qua quãng thời gian dài. Dựa theo phương pháp bảo quản này thì sản phẩm có thể được bảo quản trong nhiều năm mà chất lượng vẫn không thay đổi.
CAS bao gồm 2 modul trong dây chuyền thiết bị và công nghệ: máy đông lạnh CAS với bộ phận cấp đông nhanh và bộ phận sinh dao động từ trường, có khả năng đưa nhiệt độ xuống -60 độ C trong thời gian ngắn. Cùng với 1 kho lạnh có chức năng dao động điều hòa, đảm bảo phân phối nhiệt độ trong kho ở mức -25 độ C để bảo quản sản phẩm. Tùy theo mục đích sử dụng mà công nghệ này có những kiểu dáng và quy mô, công suất khác nhau.
Chỉ cần lắp thiết bị CAS hoặc trang bị thêm chức năng CAS cho hệ thống làm lạnh hiện có là có thể giữ tươi ngon đến 10 năm từ thủy hải sản đến thực phẩm tươi sống và cả sữa, cà phê, nước hoa quả, bánh kẹo và đồ ăn chế biến sẵn … Tùy loại thực phẩm, nông sản, thủy sản mà sử dụng CAS với cường độ từ trường khác nhau.
Đông lạnh mọi thứ
CAS đã được đưa vào ứng dụng và nhanh chóng phổ biến trong lĩnh vực bảo quản thủy hải sản, nông sản, thực phẩm… không chỉ tại Nhật mà còn nhiều quốc gia khác như Mỹ (cá ngừ), Canada (quả thanh quất), Mexico (xoài và bơ), Trung Quốc (trái cây đóng hộp, rau quả đông lạnh, măng, nấm)… Ngoài ra, công nghệ này còn ứng dụng vào lĩnh vực y tế. Nguyên lý đơn giản, linh hoạt, CAS dễ dàng phù hợp với hệ thống đông lạnh các bộ phận cơ thể như nội tạng, thần kinh, máu, và cả… tim. Nếu một trái tim trước đây phải được cấy ghép trong vòng 10-14 tiếng, thì với CAS tim có thể “sống” đến 10 ngày ở nhiệt độ âm 30 đến âm 40 độ C. Công nghệ CAS cũng được ngân hàng răng sữa Future Health Biobank (Fribourg, Thụy Sĩ) tin dùng, lưu trữ răng như một nguồn tế bào gốc thay thế.