Ứng dụng công nghệ CAS trong bảo quản

“Nếm thử một con hào đông lạnh bằng CAS, dường như nó vừa được bắt lên còn nguyên hương vị biển”, đó là mẩu quảng cáo dành cho công nghệ CAS.

1. Công nghệ CAS là gì?

CAS (Cells Alive System) là công nghệ bảo quản thực phẩm đông lạnh hiện đại của tập đoàn ABI (Nhật Bản) vừa chuyển giao cho Việt Nam tháng 6 năm 2013. Bằng sáng chế công nghệ CAS do ABI sở hữu hiện đang được hơn 22 quốc gia và Cơ quan Sáng chế châu Âu công nhận bảo hộ. Tại Mỹ, sáng chế này được cấp bằng với tên gọi: phương pháp và thiết bị đông lạnh nhanh (Quick freezing apparatus and quick freezing method), số bằng: US 7810340, ngày 12/10/2010, tác giả: Norio Owada và Shobu Saito.

Hệ thống CAS theo sáng chế US 7810340 gồm: kho đông lạnh có bộ điều chỉnh áp suất khí (60), quạt thổi không khí lạnh (31) vào sản phẩm đặt bên trong với tốc độ gió 1-5 m/giây và thiết bị phát từ trường (21). (Nguồn: wipsglobal)

Sự kiện Việt Nam trở thành quốc gia thứ 8 nhận chuyển giao công nghệ CAS đã làm xôn xao giới doanh nghiệp trong nước. Có thể giữ cho nông sản, thủy sản, thực phẩm tươi ngon đến 99,7 % sau 10 năm là thách đố bao năm qua của nông nghiệp Việt Nam, nay đã trong tầm tay.

2, CAS: Nguyên lý đơn giản cho kết quả ngoạn mục

Hiện tượng nước siêu lạnh (supercooled) chính là lời giải cho câu đố. Nước siêu lạnh là trạng thái nước không đóng băng ngay cả dưới 0 độ C hoặc thấp hơn. Trên cơ sở đó, Norio Owada sáng chế công nghệ CAS với tiêu chí: “đơn giản, phổ cập, dễ sử dụng và an toàn”. Công nghệ CAS sử dụng từ trường, tương tự lò viba nhưng kết hợp thêm hệ thống làm lạnh.

Chỉ cần lắp thiết bị CAS hoặc trang bị thêm chức năng CAS cho hệ thống làm lạnh hiện có là có thể giữ tươi ngon đến 10 năm từ thủy hải sản (là loại dễ hỏng nhất); đến thực phẩm tươi sống (thịt, gia súc, gia cầm, trái cây, rau quả, nấm); cả sữa, cà phê, nước hoa quả, bánh kẹo và đồ ăn chế biến sẵn (sushi, thức ăn dinh dưỡng, đồ hộp…). Tùy loại thực phẩm, nông sản, thủy sản mà sử dụng CAS với cường độ từ trường khác nhau.
Nguyên lý CAS: Làm đông lạnh ở -40 độ C kết hợp với tác dụng của từ trường. Từ trường kiến cho các phân tử nước dao động liên tục không thể kết tinh thành khối do đó không phá vỡ mô tế  bào. kết quả là hương vị, màu sắc, chất dinh dưỡng của thực phẩm được giữ nguyên trong thời gian dài bảo quản. Mặt khác dao động của phân tử nước giúp toàn bộ cấu trúc đông lạnh nhanh hơn, rút ngắn thời gian đông lạnh thực phẩm.
Một số lợi ích của CAS được kiểm chứng:
  • Thực phẩm không chảy nước khi rã đông
  • Đảm bảo 99,7% thành phần dinh dưỡng sau 10 năm bảo quản.
  • Giữ nguyên hương vị, màu sắc, cấu trúc thực phẩm.
  • Ngăn chặn quá trình oxi hóa.
  • Giảm đáng kể số lượng sản phẩm hỏng và chất thải.
  • Tiết kiệm 30% điện năng tiêu thụ nhờ rút ngắn thời gian đông lạnh.

Đông lạnh không dùng CAS: (1) và (2) ở nhiệt độ thấp, phân tử nước trong tế bào kết tinh, hình thành tinh thể băng góc cạnh, phá vỡ màng tế bào. Khi rã đông, dịch tế bào thoát ra (hiện tượng thực phẩm bị “nhỏ giọt”).

Đông lạnh bằng CAS: (1) và (2) nhờ xung động từ trường, các phân tử nước trong tế bào không kết tinh dù ở nhiệt độ thấp. Khi rã đông vẫn tươi nguyên như lúc đầu (3).
Sự khác biệt giữa hai sản phẩm đông lạnh (Dùng CAS và Không dùng CAS)

3. Ứng dụng công nghệ CAS

Công nghệ CAS được lắp đặt hầu hết trong các thiết bị như:

  • Cài đặt CAS trong tủ cấp đông nhanh
  • Cài đặt CAS trong hệ cấp đông IQF: Công nghệ CAS được ứng dụng trong tất cả các loại cấp đông IQF như: IQF dạng phẳng, dạng xoắn, IQF tầng sôi.
  • Công nghệ CAS trong tủ đông và kho trữ đông lớn
Công nghệ CAS ứng dụng trong nhiều lĩnh vực bảo quản: nông sản, thủy hải sản, thực phẩm, y tế.